Rôm sảy (nhiệt phát ban) không chỉ xuất hiện ở trẻ sơ sinh mà còn ảnh hưởng tới cả người lớn, đặc biệt là trong thời tiết nóng, ẩm. Rôm sảy xuất hiện khi các lỗ chân lông bị tắc khiến mồ hôi “mắc kẹt” dưới da, gây viêm và nổi mẩn.

Các triệu chứng của bệnh rôm sảy

Người lớn thường bị rôm sảy ở các nếp gấp da và vùng da bị cọ xát nhiều với quần áo. Ở trẻ sơ sinh, rôm sảy chủ yếu xuất hiện ở cổ, vai và ngực, hoặc cũng có thể mọc ở nách, nếp gấp khuỷu tay và bẹn.

Tùy theo độ sâu của tuyến mồ hôi bị tắc, bệnh rôm sảy được chia làm ba loại với các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau:

- Rôm sảy kết tinh (miliaria crystallina): Đây là dạng rôm sảy nhẹ nhất, ảnh hưởng đến các ống dẫn mồ hôi ở lớp ngoài cùng của da (lớp sừng). Rôm sảy kết tinh là những mụn nước nông, nhỏ chứa đầy chất lỏng và dễ vỡ khi va chạm.

- Rôm sảy đỏ (Miliaria rubra): Ảnh hưởng đến các ống dẫn mồ hôi sâu hơn, ở lớp thượng bì. Rôm sảy đỏ gồm những mụn đỏ, gây ngứa và rát. Đôi khi, mụn đỏ có chứa chất lỏng, bị viêm và đầy mủ bên trong (mụn mủ), dạng này gọi là rôm sảy mủ (pustulosa miliaria).

- Rôm sảy sâu (Miliaria profunda): Ít phổ biến, ảnh hưởng đến lớp sâu hơn của da (lớp hạ bì). Rôm sảy sâu thường xuất hiện sớm sau các hoạt động gây đổ nhiều mồ hôi và tổn thương da giống như “nổi da gà”.

 

Rôm sảy dạng tinh thể (miliaria crystalina)

Bạn nên đi khám ngay nếu các triệu chứng kéo dài hơn vài ngày hoặc kèm theo các dấy hiệu nhiễm trùng như:

- Đau, sưng, đỏ hoặc nóng xung quanh khu vực bị ảnh hưởng.

- Có mủ chảy ra từ vùng da bị ảnh hưởng.

- Sưng hạch bạch huyết ở nách, cổ hoặc háng.

- Bị sốt hoặc ớn lạnh.

Tpcn Hòa Hãn Linh – giải pháp thảo dược giúp làm giảm tiết mồ hôi, ngăn ngừa nguy cơ xuất hiện rôm sảy. Hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 0987.45.49.48 (trong giờ hành chính) để được tư vấn hỗ trợ.

 

Nguyên nhân gây rôm sảy

Lý do khiến các tuyến mồ hôi bị tắc không phải lúc nào cũng được biết rõ. Tuy nhiên, tuyến mồ hôi có thể bị tắc bởi một hoặc nhiều nguyên nhân sau đây:

- Tuyến mồ hôi chưa trưởng thành: Ở trẻ sơ sinh, tuyến mồ hôi chưa phát triển đầy đủ nên dễ bị vỡ và làm cho mồ hôi bị tắc ở dưới da. Do đó, rôm sảy có thể phát triển trong tuần tuổi đầu tiên, đặc biệt nếu trẻ nằm trong lồng kính, được ủ quá kỹ hoặc bị sốt.

- Khí hậu nhiệt đới: Thời tiết nóng và ẩm ướt có thể gây rôm sảy.

- Hoạt động thể chất: Tập thể dục cường độ cao, làm việc nặng hoặc bất kỳ hoạt động nào gây đổ nhiều mồ hôi cũng có thể dẫn đến rôm sảy.

- Quá nóng: Mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn quá nóng khi ngủ có thể gây rôm sảy.

- Nằm lâu một chỗ: Rôm sảy cũng có thể xảy ra ở những người nằm liệt giường trong thời gian dài, đặc biệt nếu họ bị sốt.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh rôm sảy

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị rôm sảy bao gồm:

- Tuổi tác: Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất.

- Sống tại vùng khí hậu nhiệt đới: Người dân tại những khu vực này có nguy cơ cao bị rôm sảy hơn so với những người sống tại vùng khí hậu ôn đới.

- Hoạt động thể chất: Bất cứ hoạt động gì gây đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt là nếu bạn đang mặc trang phục bí, khiến mồ hôi khó bay hơi, có thể gây rôm sảy.

Hậu quả của tình trạng rôm sảy kéo dài

Rôm sảy đa phần là lành tính, không nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, một số trường hợp rôm sảy có thể dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn, gây mụn mủ viêm và ngứa.

Phương pháp điều trị bệnh rôm sảy

Rôm sảy nhẹ có thể giảm khi giữ cho cơ thể không bị quá nóng. Khi cơ thể mát mẻ, rôm sảy thường lặn đi nhanh chóng. Nếu phương pháp trên không giúp giảm rôm sảy, bạn có thể cần được điều trị bằng thuốc mỡ. Thuốc mỡ giúp giảm triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng do rôm sảy nặng, bao gồm:

- Dung dịch Calamine: giúp làm giảm ngứa.

- Lanolin khan: giúp ngăn ngừa tắc nghẽn tuyến mồ hôi và phòng ngừa các tổn thương mới.

- Steroid bôi tại chỗ (chỉ sử dụng trong các trường hợp rôm sảy nghiêm trọng).

Bên cạnh đó, áp dụng những cách dưới đây sẽ giúp làm da nhanh chóng hồi phục và khiến bạn thoải mái hơn:

- Trong ngày nóng bức, mặc đồ rộng rãi, nhẹ, thoáng mát trong thời tiết nóng để mồ hôi được bay hơi dễ dàng.

- Hạn chế ra trời nóng, thay vào đó hãy dành nhiều thời gian ở trong phòng máy lạnh.

- Tắm nước lạnh với xà phòng không gây khô da, sau đó để da tự khô thay vì lau bằng khăn.

- Sử dụng kem có chứa calamine hoặc gạc lạnh để giảm ngứa và làm dịu vùng da bị kích thích.

- Tránh sử dụng các loại kem và thuốc mỡ có chứa dầu mỏ hoặc dầu khoáng vì có thể gây tắc lỗ chân lông.

Phòng ngừa rôm sảy bằng cách nào?

Để phòng ngừa rôm sảy mùa hè, bạn nên:

- Tránh mặc quá nhiều, đặc biệt là trong thời tiết nóng. Vào mùa hè, nên mặc trang phục làm từ chất liệu mềm mại, nhẹ như cotton. Đối với trẻ sơ sinh vào mùa đông không nên ủ quá kỹ vì thân nhiệt của trẻ thường cao hơn người lớn.

- Tránh mặc quần áo quá chật vì có thể gây kích ứng da.

- Khi trời nóng, nên ở trong bóng râm hoặc trong phòng máy lạnh, dùng quạt để lưu thông không khí.

- Giữ cho phòng ngủ luôn mát mẻ và thông thoáng.

Rôm sảy gây ngứa ngáy khó chịu. Nếu không được xử trí đúng cách, rôm sảy có thể dẫn tới viêm mủ gây đau đớn và khiến cho việc điều trị khó khăn hơn. Khi thấy trên người xuất hiện rôm sảy, bạn cần đi khám để được tư vấn hướng xử trí đúng cách.

Quỳnh Chi

Tham khảo: http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heat-rash/basics/prevention/con-20033908