Đổ mồ hôi đêm ảnh hưởng đến cuộc sống của những phụ nữ gặp tình trạng này không chỉ là khiến cho họ khó có giấc ngủ ngon, mà còn khiến họ rơi vào tình trạng lo lắng, mệt mỏi... bởi lẽ, chứng bệnh đổ mồ hôi có thể là dấu hiệu cảnh báo của thời kỳ tiền mãn kinh và những vấn đề sức khỏe khác

Thế nào là đổ mồ hôi đêm?

Đổ mồ hôi đêm là tình trạng ra mồ hôi nhiều một cách bất thường, xảy ra vào ban đêm. Những người gặp phải tình trạng này sẽ thường bị đánh thức trong giấc ngủ khi quần áo và chăn gối xung quanh người ướt đẫm, mặc dù nhiệt độ phòng ngủ rất mát mẻ.

Đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ và nguyên nhân thường gặp

Nếu phòng ngủ của bạn kín gió, trong một thời tiết nóng bức hoặc bạn đang sử dụng quá nhiều chăn mền quấn quanh người thì điều tất yếu là cơ thể sẽ bị đổ mồ hôi. Tuy nhiên tình trạng đổ mồ hôi nhiều quá mức mà không liên quan đến điều kiện ngoại cảnh, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

- Thời kỳ tiền mãn kinh: Giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh ở độ tuổi ngoài 40 – 50 tuổi thực sự là thời kỳ khủng hoảng về tâm- sinh lý ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều chị em. Ở giai đoạn này, kích thích tố estrogen sụt giảm nghiêm trọng khiến họ phải trải qua cảnh mồ hôi tiết ra đầm đìa cùng những cơn bốc hỏa khó chịu. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc tránh thai cũng có thể là nguyên nhân của việc tiết nhiều mồ hôi. Các dấu hiệu có thể là những cơn nóng bừng, bốc hỏa, đổ mồ hôi, kinh nguyệt không đều, đau đầu, khó ngủ, tâm trạng hay lo lắng, âm đạo khô, giảm ham muốn tình dục...

Đổ mồ hôi đêm ẩn chứa nhiều vấn đề “khó nói” ở phụ nữ

 

- Bệnh tăng tiết mồ hôi tự phát: đây là một tình trạng bệnh mạn tính liên quan đến sự rối loạn hoạt động chức năng của hệ thần kinh thực vật, thường khởi phát từ khi bạn còn rất trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên, đến khi trưởng thành, tình trạng đổ mồ hôi vẫn liên tục “đeo bám” bạn

- Cường giáp: Những phụ nữ bị cường giáp, ngoài phải đối mặt với tâm trạng bồn chồn, mất ngủ, nhịp tim bất thường còn có thể phải “sống” cùng cảnh mồ hôi tiết nhiều mỗi khi ngủ

- Thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ sốt: Những phụ nữ sử dụng thuốc chống trầm cảm hay thuốc hạ sốt, giảm đau chống viêm như aspirin, cortisone, prednisone cũng có thể gặp tác dụng phụ là đổ mồ hôi nhiều.

- Bệnh tiểu đường: Đối với những trường hợp dùng thuốc điều trị đái tháo đường quá liều, nhất là với người tiêm insunlin có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng vào ban đêm, khiến cơ thể vã mồ hôi.

- Nhiễm trùng: Một số bệnh lý nguy hiểm liên quan đến sự nhiễm trùng như lao, thận, viêm nội tâm mạc (viêm van tim), viêm tủy xương, các ổ áp –xe trong cơ thể đều gây ra các trận đổ mồ hôi vào ban đêm, kèm theo đó có thể là dấu hiệu đau, sốt, nôn mửa...

- Ung thư bạch huyết (Lymphoma): Cả hai loại ung thư bạch huyết (u lympho) đều gây đau, sưng bạch huyết và khiến người bệnh đổ mồ hôi đêm không kiểm soát

- Bệnh HIV: Virus HIV gây bệnh AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải) khiến hệ thống miễn dịch của người bệnh không đủ sức “chống đỡ” với các nhiễm khuẩn hay virus khác trong đó có tiết mồ hôi đêm

Đổ mồ hôi đêm, khi nào nên đi khám bác sĩ?

Nếu tình trạng đổ mồ hôi đêm xảy ra liên tục mà không có dấu hiệu thuyên giảm dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt... đồng thời, bạn cảm thấy mình bị sốt hoặc có các triệu chứng khác lạ kèm theo, hãy tới thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán tìm ra nguyên nhân.

Cách để giảm mồ hôi đêm ở phụ nữ hiệu quả

Điều trị ra mồ hôi ban đêm sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ và nguyên nhân gây bệnh. Thông thường đổ mồ hôi đêm là một triệu chứng của một bệnh lý nào đó, do vậy, nếu điều trị đúng nguyên nhân thì tình trạng đổ mồ hôi cũng sẽ được kiểm soát.

Nếu đổ mồ hôi phát sinh từ dấu hiệu của tiền mãn kinh, liệu pháp điều trị hormon có thể có hiệu quả tích cực trong một số trường hợp. Bên cạnh đó, áp dụng một số mẹo sau cũng có thể giảm bớt được tình trạng này:

- Trà sâm: Các nhà khoa học đã chứng minh rằng sử dụng trà sâm có thể giảm mồ hôi đêm trên 50% . Ngoài vị ngon miệng, trà sâm là “vị thuốc” cần thiết cho những chị em bị đổ mồ hôi nhiều.

- Sơn thù du, Thiên môn đông bào chế dạng viên uống thảo dược. Với khả năng làm săn se bề mặt da, tác động trực tiếp vào hệ thần kinh thực vật, ức chế sự hưng phấn quá mức của hệ giao cảm, nhờ đó, các tuyến mồ hôi hoạt động có kiểm soát hơn, hạn chế đổ mồ hôi nhiều liên tục cả ban ngày và ban đêm.

- Đương quy, rễ cam thảo: Đương quy và rễ cam thảo mang những đặc tính nhẹ của hormone estrogen và điều này có lợi trong việc kiểm soát mồ hôi đêm ở chị em phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh

- Đậu tương: Sử dụng các sản phẩm từ đậu tương như bột đậu tương, sữa đậu nàng, đậu phụ là những thực phẩm giúp chị em phụ nữ ngăn chặn mồ hôi đêm hữu hiệu

- Dầu hạt lanh: Dầu hạt lanh giúp trung hòa mức estrogen từ đó làm giảm mồ hôi đêm

Đổ mồ hôi đêm ở phụ nữ không phải là vấn đề xa xôi. Nó có thể xuất hiện ngay trong cuộc sống của bạn, của tôi bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời. Biết được nguyên nhân và cách khắc phục sẽ giúp bạn trải qua tình trạng này một cách nhẹ nhàng nhất có thể!

Phạm Hường

Nguồn tham khảo:

http://www.sweatology.net/night-sweats/night-sweats-in-women/

http://www.emedicinehealth.com/night_sweats/article_em.htm