Cách tốt nhất để bạn đối phó với chứng rối loạn thần kinh tim đó là giải tỏa bản thân khỏi sự lo lắng và căng thẳng, bởi nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do sự suy nhược quá mức của hệ thần kinh gây nên.
Để làm được điều này, rất nhiều người đã phải dựa vào sự giúp đỡ của các loại thuốc điều trị. Nhưng trên thực tế, có nhiều liệu pháp tự nhiên an toàn khác, mà bạn hoàn toàn có thể lựa chọn để chữa bệnh, thay vì lệ thuộc vào thuốc. Trong đó, một phương pháp vừa giúp bạn giải tỏa tâm lý, vừa giúp giải phóng được những năng lượng dư thừa trong cơ thể, lại rất dễ dàng để áp dụng, đó là “tập thể dục trị liệu”.
Chúng ta đều biết rằng tập thể dục mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không phải ai cũng biết nó còn là một loại thuốc quý cho các vấn đề về tâm lý như căng thẳng, stress, rối loạn cảm xúc, lo âu... Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ bằng cách tập luyện thể dục 30 phút mỗi ngày, với 3 - 5 lần mỗi tuần, cũng sẽ mang lại hiệu quả rất lớn trong việc cải thiện sức khỏe tinh thần của con người. Nó có thể giúp một người đang đau khổ hay lo lắng trở nên thư thái và vui vẻ hơn.
Tập thể dục giúp cải thiện chứng rối loạn thần kinh tim
Có rất nhiều hình thức tập luyện mà bạn có thể áp dụng như: chơi thể thao, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ, yoga, thiền... Tất cả chúng đều là những liệu pháp tự nhiên tuyệt vời để giúp giảm stress và cải thiện chứng rối loạn thần kinh tim.
Đối phó với chứng rối loạn thần kinh tim bằng cách chơi thể thao
Chơi thể thao là một cách tập luyện cơ bản và hiệu quả. Nó không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, vóc dáng, mà còn giúp cải thiện tâm trạng và trí tuệ của mỗi người. Việc thường xuyên tập luyện các bộ môn thể thao yêu thích như đạp xe, chạy bộ, bơi lội, hay cầu lông, quần vợt, bóng đá, bóng rổ… sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, giúp:
- Cải thiện tâm trạng: Khi vận động cơ bắp, cơ thể của chúng ta sẽ sản sinh ra endorphins, là một chất hóa học tự nhiên, có hiệu quả giống như thuốc chống trầm cảm, giúp kích thích tâm trạng, khiến bạn cảm thấy hưng phấn và thư giãn. Từ đó sẽ giúp bạn giảm thiểu được sự lo lắng, căng thẳng và các biểu hiện của chứng rối loạn thần kinh tim.
- Thúc đẩy sự tự tin: Tham gia vào các hoạt động thể thao thường xuyên có thể giúp thúc đẩy tinh thần, khiến bạn cảm thấy mạnh mẽ hơn ở cả trong tâm hồn và cơ thể, giúp bạn cảm thấy tự tin để bước ra khỏi nỗi sợ hãi về bệnh tật và khẳng định bản thân mình ngoài cuộc sống.
Tập hít thở để giúp điều hòa cảm xúc
Cuộc sống hiện đại khiến chúng ta bị cuốn theo những nhịp điệu gấp gáp của nó, cơ thể lúc nào cũng phải căng ra, thậm chí đến hơi thở cũng luôn vội vã. Học cách thở sâu, thở chậm lại là một trong những bước cơ bản để giúp bạn điều chỉnh cuộc sống theo hướng tích cực. Bởi hít thở đúng cách sẽ làm trong sạch cơ thể bạn và mang lại nhiều lợi ích to lớn cho sức khỏe.
Nếu mỗi ngày bạn tập hít thở từ 20 đến 30 phút thì sau khoảng 2 - 3 tháng, lượng serotonin - một chất được não sản xuất ra quyết định tâm trạng và khả năng tập trung của con người, sẽ tăng lên rất nhiều khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn, vui vẻ và cải thiện được chứng rối loạn thần kinh tim.
Khi bạn hít vào và nín thở, các độc tố N2, CO2 tích tụ ở tim cũng sẽ được hoà trộn vào với hơi thở và đẩy ra ngoài. Điều này sẽ giúp cho trái tim của bạn luôn khỏe mạnh.
Giảm stress bằng cách tập hít thở sâu và đều đặn
Bạn có thể áp dụng một bài tập hít thở đơn giản theo 3 bước sau:
- Bước 1: Hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, đồng thời từ từ phình bụng ra, êm dịu và kéo dài đến mức có thể chịu được.
- Bước 2: Nín thở và giữ hơi càng lâu càng tốt.
- Bước 3: Thở ra từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, đồng thời từ từ thóp bụng vào hết cỡ, êm nhẹ và kéo dài đến mức có thể chịu được.
Thay đổi được nhịp điệu hơi thở, bạn sẽ thay đổi được cả trạng thái tư tưởng, suy nghĩ và lối sống của mình. Nó có thể đẩy lùi được những ảnh hưởng không tốt đã ăn sâu vào tiềm thức và giúp bạn nảy sinh những tư tưởng chân, thiện, mỹ tiềm ẩn trong bản chất con người.
Chữa rối loạn thần kinh tim bằng phương pháp ngồi thiền
Thiền là gì? Hiểu một cách đơn giản, thiền là một phương pháp tập luyện thói quen tập trung tư tưởng của con người. Nó có thể giúp điều chỉnh tình trạng mất cân bằng của hệ thần kinh thực vật, mà nguyên nhân chính là do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây nên.
Thời điểm tốt nhất để tập thiền là vào buổi sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn nên tập trong phòng hoặc một nơi nào đó yên tĩnh, thoáng mát, để tránh bị mất tập trung hoặc làm phiền.
Thời gian thiền nên kéo dài khoảng 15 – 30 phút hoặc có thể lâu hơn nếu bạn có điều kiện.
Có nhiều cách để ngồi thiền, bạn có thể chọn tư thế ngồi xếp thông thường, ngồi Seiza (ngồi quỳ kiểu Nhật) hay ngồi trên ghế... Nhưng cần lưu ý là dù bạn chọn bất cứ kiểu ngồi thiền nào thì xương sống cũng phải hoàn toàn ở vị thế thẳng đứng. Chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tay đối xứng hai bả vai, mắt nhắm nhẹ. Gương mặt bình thản, miệng hơi mỉm để cho các cơ bắp trên mặt được giãn ra. Điều này rất cần thiết cho hệ thần kinh.
Ngồi thiền thường xuyên sẽ giúp bạn đạt đến sự tĩnh lặng trong tâm trí, thư giãn thần kinh và tăng cường sức khỏe, ổn định các hoạt động của hệ thần kinh tim.
Yoga giúp cải thiện chứng rối loạn thần kinh tim
Yoga không còn là một khái niệm xa lạ với nhiều người, nhưng chắc ít ai biết rõ nguồn gốc và ý nghĩa của nó. Đây là phương pháp tu luyện cổ xưa từ Ấn Độ, hướng đến cải tạo con người, trong đó chủ yếu tập trung vào cải tạo tư tưởng, tình cảm. Yoga đã được khoa học chứng minh là đem lại tác dụng toàn diện cho sức khoẻ, trên hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hoá, cơ xương khớp và cả hệ thống thần kinh.
Bạn không cần bỏ ra quá nhiều thời gian cho yoga mà chỉ cần tập nó 1 giờ đồng hồ mỗi ngày. Yoga sẽ giúp “thiết lập lại” toàn bộ cơ thể của bạn, giúp bạn được cân bằng, tập trung và thoải mái. Nó có thể giúp cải thiện chứng rối loạn thần kinh tim bằng cách điều chỉnh sự cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Bên cạnh đó, yoga còn có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa, giúp bạn trẻ lâu hơn và có một thân hình lý tưởng.
Chữa rối loạn thần kinh thực vật với Yoga
Tuy nhiên để đạt được những tác dụng mà yoga mang lại, bạn phải tập một cách kiên trì và nhẫn nại. Trước tiên, bạn phải tự nguyện lựa chọn yoga và có ý chí quyết tâm tập đến cùng. Quá trình tập luyện không nên nóng vội mà phải theo đúng phương pháp và kỹ thuật, đi từng bước từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu tập luyện sai, yoga có thể khiến người tập gặp những tác dụng có hại cho xương khớp, thần kinh, tuần hoàn hay tiềm thức… Vì vậy, tốt nhất là bạn nên theo học các lớp yoga có thầy chính danh hướng dẫn cụ thể để tập luyện một cách chuẩn xác.
Quả thực, rối loạn thần kinh tim không quá khó để điều chỉnh, nếu như bạn dành thời gian cho bản thân tập luyện mỗi ngày. Các phương pháp tập luyện trên cũng tốt cho cả những người không bị rối loạn thần kinh tim, bởi nó sẽ giúp cải thiện sức khỏe cả thể chất và tinh thần, hướng bạn đến cuộc sống tích cực và ý nghĩa hơn.
DS. Thu Thảo
Nguồn tham khảo:
http://www.cardiac-neurosis.com/2012/12/sports-exercise-natural-therapy-cure-cardiac-neurosis/