Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim nhanh thường gặp nhất, chiếm 30% tổng số trường hợp nhập viện vì bệnh tim; nó có thể gây đột quỵ, suy tim và tử vong.

1. Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ là kết quả của sự bất thường trong quá trình phát xung điện ở các buồng trên của tim (tâm nhĩ) gây nhịp tim nhanh và không đều, tuy nhiên các biểu hiện không thường xuyên, xuất hiện và biến mất một cách nhanh chóng. Bệnh có thể dẫn đến cục máu đông, đột quỵ, suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác. Bệnh xảy ra đột ngột và có thể gây thiếu máu thoáng qua. Tỷ lệ mắc bệnh tăng cùng với độ tuổi, có khoảng 2-4% dân số toàn thế giới độ tuổi trên 65 gặp phải tình trạng này. Ước tính lên đến 2,7 triệu người Mỹ và 4,5 triệu người châu Âu bị bệnh rung nhĩ. Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch đang gia tăng rõ rệt, trong đó nhiều trường hợp có kèm theo rung nhĩ.

* Phân loại: Có 2 loại rung nhĩ là kịch phát và mạn tính
- Rung nhĩ kịch phát xảy không thường xuyên: các triệu chứng đến và đi nhanh chóng, kéo dài trong một vài phút đến vài giờ, sau đó tự kết thúc.
- Rung nhĩ mạn tính: nhịp tim luôn luôn nhanh bất thường mọi thời điểm.

{youtube}ud58z8SPaQQ{/youtube}

Rung nhĩ - Rối loạn nhịp tim thường gặp

2. Các triệu chứng của rung nhĩ

Người bệnh đôi khi cảm thấy tim đập nhanh bất thường trong lồng ngực, ngay cả lúc nghỉ ngơi, điều này có thể xảy ra ở người bình thường và tiền sử chưa từng mắc bệnh tim mạch. Rung nhĩ xảy ra khi lượng máu từ tâm nhĩ không xuống được 2 buồng tâm thất ở phía dưới, gây tình trạng tim đập nhanh bất thường. Nhịp tim ở người trưởng thành dao động trong khoảng từ 60 đến 100 nhịp/phút còn trong bệnh rung nhĩ, nhịp tim có thể đập hỗn loạn lên tới 400 nhịp/phút kèm theo một số biểu hiện sau:
− Đánh trống ngực, cảm giác khó chịu bất thường, như ngựa phi trong lồng ngực
− Đau tức ngực, hoặc khó chịu trong lồng ngực.
− Đau bụng
− Khó thở
− Người lâng lâng
− Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng


Rối loạn dẫn truyền điện tim trong bệnh rung nhĩ

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Bất thường hoặc tổn thương cấu trúc tim là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh rung tâm nhĩ , tuy nhiên cũng có thể do các yếu tố khác như: sử dụng quá nhiều chất kích thích (caffeine, rượu..), stress, mất cân bằng điện giải, thuốc, nhiễm khuẩn nặng, bệnh cường giáp, rối loạn thần kinh thực vật hoặc các yếu tố di truyền. Thậm chí có tới 10% các trường hợp bị bệnh mà không tìm được nguyên nhân. Sau đây là một số yếu tố nguy cơ của bệnh:
- Tuổi: càng lớn tuổi, người ta càng tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là sau 60 tuổi.
- Mắc bệnh lý ở tim: Bệnh mạch vành, bệnh van tim, thấp tim, suy tim, bệnh cơ tim (suy yếu hoặc phì đại cơ tim), dị tật bẩm sinh tim, viêm màng ngoài tim, hội chứng thiểu năng nút xoang đều làm tăng nguy cơ rung tâm nhĩ. Các bệnh lý này trực tiếp hoặc gián tiếp gây rối loạn dẫn truyền tín hiệu điện của tim, dẫn đến nhịp tim nhanh, chậm thất thường. Rung nhĩ có thể xảy ra trong cơn đau tim hoặc sau khi phẫu thuật tim, nó cũng là biến chứng thường gặp nhất sau phẫu thuật tim, xảy ra ở khoảng 20% -30% bệnh nhân sau phẫu thuật.
- Cao huyết áp: Không kiểm soát được huyết áp cao trong thời gian dài là nguyên nhân gây bệnh rung nhĩ.
- Bệnh phổi: Nguy cơ của bệnh tăng lên ở những người có bệnh phổi: bệnh tắc nghẽn mạn tính (COPD), khí phế thũng, thuyên tắc phổi, hoặc có cục máu đông trong phổi.
- Cường giáp: Khi tuyến giáp hoạt động quá mức có thể gây rối loạn nhịp tim nhanh.
- Bệnh lý khác: Béo phì, tiểu đường, hội chứng chuyển hóa, tình trạng ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng nguy cơ rung nhĩ.
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh.
- Sử dụng chất kích thích (thuốc lá, rượu, caffeine và chất kích thích khác): Làm tăng khả năng mắc bệnh.
- Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi và cơ thể ốm yếu: Cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh.
- Liều cao thuốc chống viêm steroid: nghiên cứu cho thấy những người được điều trị liều cao steroid (trong bệnh hen, viêm khớp…) có nguy cơ cao bị rung tâm nhĩ, đặc biệt là người bệnh đã có các yếu tố nguy cơ khác.

4. Các biến chứng trong bệnh rung nhĩ

- Nguy cơ hình thành cục máu đông và cơn đột quỵ: Một trong những biến chứng thường gặp nhất là sự hình thành các cục máu đông trong tim do dòng máu trong tâm nhĩ lưu thông một cách hỗn loạn kéo dài. Sau đó, cục máu này có thể đi xuống buồng dưới của tim (tâm thất) rồi vào vòng tuần hoàn chung. Khi nó làm tắc động mạch não sẽ gây đột quỵ, tới tim làm tắc mạch vành sẽ gây nhồi máu cơ tim, thậm chí tử vong. Bệnh nhân bị rung tâm nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần so với những người bình thường và có khoảng 5% bệnh nhân rung nhĩ bị đột quỵ mỗi năm. Đặc biệt nguy cơ này tăng lên ở người tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, suy tim và có tiền sử huyết khối.


Cục máu đông là biến chứng thường gặp nhất của rung nhĩ

- Suy tim: Nếu rung nhĩ không được kiểm soát tốt, lâu dần có thể làm cơ tim suy yếu và dẫn tới suy tim trái, phải hoặc suy tim toàn bộ.

5. Xét nghiệm và chẩn đoán

Để chẩn đoán chính xác bệnh, cần xem xét các dấu hiệu và triệu chứng hiện tại, tiền sử bệnh, và tiến hành một số xét nghiệm chẩn đoán như:
- Điện tâm đồ (ECG): Sử dụng thiết bị cảm biến nhỏ (điện cực) gắn vào ngực và cánh tay để ghi lại tín hiệu điện của tim. Thử nghiệm này là công cụ chính để chẩn đoán rung nhĩ.
- Máy theo dõi nhịp tim (Thiết bị Holter): thiết bị này được để trong túi áo, đeo ở thắt lưng hoặc trên vai và ghi lại hoạt động của tim trong 24 giờ hoặc lâu hơn, từ đó cung cấp thông tin tổng quan và cụ thể nhất về nhịp tim, dễ dàng phát hiện sớm các rối loạn nhịp tim.
- Máy theo dõi hoạt động tim: Thiết bị tương tự như máy Holter, tuy nhiên nó có thể theo dõi hoạt động của tim từ vài tuần đến vài tháng và người dùng chỉ kích hoạt nó khi họ gặp các triệu chứng của nhịp tim nhanh, bác sĩ sẽ đọc được nhịp tim tại các thời điểm đó.
- Siêu âm tim: Là xét nghiệm thường quy khi kiểm tra chức năng, phát hiện các bệnh lý của tim hoặc cục máu đông trong tim.
- Xét nghiệm máu: Để phát hiện các vấn đề về tuyến giáp hoặc chất khác trong máu có thể dẫn đến chứng rung tâm nhĩ.
- Chụp X-quang: Tương tự như siêu âm, hình ảnh X-quang cho biết tình trạng của phổi và tim, phát hiện biến chứng của rung nhĩ.

6. Có những phương pháp điều trị nào cho rung nhĩ?

6.1 Dùng thuốc: Mục tiêu điều trị nội khoa cho bệnh nhân rung nhĩ là duy trì nhịp xoang, giảm thời gian và tần suất cơn rung nhĩ, tránh nguy cơ biến chứng do cục máu đông (đột quỵ), giảm thiểu các triệu chứng để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Một số loại thuốc có thể được sử dụng cho người bệnh nhưng phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa:
- Thuốc chống đông máu: Những bệnh nhân bị rung nhĩ hoặc đã từng điều trị bệnh này có nguy cơ cao hình thành cục máu đông dẫn đến đột quỵ. Vì vậy, cần thiết phải sử dụng các thuốc chống đông, một số loại có thể kể đến như: warfarin (Coumadin), dabigatran (Pradaxa), rivaroxaban (Xarelto), apixaban (Eliquis), clopidogrel (Plavix), aspirin (Bayer Aspirin, Ecotrin) …
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm IA: Được sử dụng để duy trì nhịp xoang, các thuốc điển hình như quinidin (Cardioquin, Quinalan), procainamide (Procanbid, Pronestyl), disopyramide (Norpace),
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm IC: Sử dụng cho các trường hợp rung nhĩ kịch phát, bao gồm: propafenone (Rythmol), flecainide (Tambocor).
- Thuốc chống loạn nhịp nhóm III: đã được FDA phê duyệt cho sử dụng trong rung nhĩ nhưng nên bắt đầu từ điều trị nội trú, bao gồm amiodarone (Cordarone), sotalol (Betapace), dofetilide (Tikosyn), ibutilide (Corvert).
- Thuốc khác: chẹn kênh canxi, kênh natri, kali, glycosid tim, chẹn beta giao cảm…

6.2 Phương pháp không phẫu thuật
- Sốc điện: là kỹ thuật nhằm tạo ra luồng điện có năng lượng cao tác động vào lồng ngực để phục hồi nhịp xoang cho những bệnh nhân rung nhĩ mạn tính có huyết khối không ổn định hoặc có biểu hiện khó thở nặng và đau ngực nhằm giảm thiểu nguy cơ tắc mạch do cục máu đông trong tim và nâng cao chất lượng sống của người bệnh. Trước khi tiến hành phương pháp này, người bệnh có thể được siêu âm tim qua thực quản (Transesophageal echocardiography – TEE) và phối hợp thêm một số thuốc điều trị.
- Triệt đốt bằng sóng cao tần qua ống thông: sử dụng cho các rối loạn nhịp tim khi dùng thuốc lâu dài hoặc sốc điện nhưng không phù hợp hoặc không hiệu quả. Đây là phương pháp điều trị có tính triệt để, an toàn và có lợi về chi phí-hiệu quả, thời gian hồi phục ngắn, đặc biệt người bệnh hoàn toàn có thể trở về nhịp đập bình thường.

6.3 Phẫu thuật can thiệp:
- Phẫu thuật tâm nhĩ: Bác sĩ sẽ tiến hành mổ lồng ngực và can thiệp vào vùng tâm nhĩ để ổn định đường truyền xung động tại đây. Phương pháp này được ưu tiên sử dụng trên người bệnh rung nhĩ kèm theo hở van 2 lá.
- Đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn: Máy tạo nhịp tim là một thiết bị điện nhỏ được cấy dưới da gần xương đòn để điều chỉnh nhịp tim bằng cách phát ra các tín hiệu điện để ổn định nhịp tim.

7. Biện pháp chăm sóc và phòng ngừa

Người bệnh và người có nguy cơ phải thay đổi lối sống để cải thiện sức khỏe, phòng ngừa hoặc điều trị các bệnh như huyết áp cao và rung nhĩ, rối loạn nhịp tim…, bao gồm:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh: ít muối và hạn chế chất béo bão hòa có trong thực phẩm chế biến sẵn, bánh ngọt, mỡ động vật; ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh và hạt ngũ cốc như đậu tương, đậu xanh, đậu đỏ, lạc, vừng…
- Tập thể dục hàng ngày và tăng cường hoạt động thể chất.


Tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe và phòng ngừa rung nhĩ

- Bỏ thuốc lá và tránh xa môi trường khói thuốc.
- Duy trì cân nặng hợp lý: do béo phì thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
- Kiểm soát tốt huyết áp và mức cholesterol bằng thuốc, chế độ ăn và lối sống.
- Uống rượu vừa phải: Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ và người trên 65 tuổi chỉ nên dùng tối đa một ly rượu nhỏ một ngày; ở nam giới tối đa là hai ly.
- Theo dõi và khám bệnh định kỳ để phát hiện sớm và kịp thời khi tình trạng bệnh nặng hơn.
- Sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ giúp ổn định nhịp tim có chứa các thành phần như Khổ sâm, Taurine, L-carnitine...

Lê Giang

http://emedicine.medscape.com/article/151066-overview
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/atrial-fibrillation/basics/definition/con-20027014
http://www.webmd.com/heart/atrial-fibrillation-stroke-11/symptom-guide