Bạn đã bao giờ gặp tình trạng tim đập liên hồi rồi nghỉ một quãng ngắn, gây cảm giác hẫng hụt trong lồng ngực, và lo lắng không biết mình bị bệnh gì? Câu trả lời cho bạn là, đây có thể là dấu hiệu của một nhịp ngoại tâm thu. Ngoại tâm thu có thể gặp ở mọi đối tượng, từ nam giới đến nữ giới, từ người trẻ em, người già đến thanh niên khỏe mạnh. Ngoại tâm thu có thể xảy ra khi chúng ta nghỉ ngơi, khi làm việc hay vận động gắng sức, nhưng nếu bạn thường xuyên được nhịp ngoại tâm thu viếng thăm kèm theo đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi… thì hãy cẩn thận, vì đó là dấu hiệu của một trái tim không khỏe.
1. Ngoại tâm thu là gì?
Ngoại tâm thu là một dạng rối loạn nhịp tim, gây ra bởi những thay đổi trong hoạt động của tim dẫn đến tình trạng tim đập không đều: thêm nhịp hoặc bỏ qua nhịp đập. Ngoại tâm thu nếu chỉ xảy ra một vài lần, không gây choáng, ngất hay khó thở, và dễ mất đi thì thường coi là vô hại và không cần can thiệp y tế. Nếu nó tiếp tục diễn ra với tần suất và mức độ nặng lên thì bạn nên đi khám để phát hiện các bệnh lý như mất cân bằng điện giải trong máu, tổn thương cơ tim, hoặc bệnh tim mạch nào đó như tăng huyết áp, hẹp hở van tim, bệnh mạch vành, thậm chí nó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột tử ở người bệnh tim mạch.
2. Dấu hiệu của ngoại tâm thu
Trong một số trường hợp, ngoại tâm thu không có triệu chứng rõ ràng. Số còn lại sẽ có các dấu hiệu sau đây:
- Cảm giác hẫng hụt trong lồng ngực, dường như tim ngừng đập hoặc bỏ qua một nhịp.
- Tim đập nhanh, hồi hộp, kèm theo đánh trống ngực.
- Có thể có cảm giác rung hay đập thình thịch trong lồng ngực, và lan đến cổ họng hoặc cổ.
- Nhịp ngoại tâm thu thường được cảm nhận rõ ràng nhất là khi nghỉ ngơi, bởi lúc đó không còn yếu tố nào khác ảnh hưởng tới nhịp tim.
3. Ai hay gặp phải ngoại tâm thu?
Nghiên cứu cho thấy hầu hết mọi người đều có ít nhất một nhịp ngoại tâm thu mỗi ngày nhưng chúng ta thường không nhận biết được. Tình trạng này có thể xảy ra với bất cứ ai, ở mọi lứa tuổi, cho dù người đó khỏe mạnh hay đang mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt hơn, nhịp ngoại tâm thu cũng được tìm thấy ở trẻ sơ sinh hoặc thai nhi. Chính vì thế, các bà mẹ đang mang thai sẽ nhận được lời khuyên tránh hoàn toàn các chất kích thích như thuốc lá, rượu hoặc đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê và coca… nếu siêu âm phát hiện thai nhi có ngoại tâm thu.
Nhịp ngoại tâm thu có thể gặp ở tất cả mọi người
4. Nguyên nhân gây ngoại tâm thu
Tim đập bình thường được là nhờ sự truyền và nhận tín hiệu điện tim một cách nhịp nhàng giữa các vùng trong tim. Nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải là nơi phát xung động để kích thích cơ tim co bóp. Ngoại tâm thu xảy ra khi tín hiệu được phát đi ở một vị trí khác trong tim, làm cho tim đập sớm hơn và nghỉ dài hơn bình thường. Chính vì vậy, nguyên nhân sâu xa gây nhịp ngoại tâm thu chính là sự rối loạn dẫn truyền tín hiệu điện trong tim. Những yếu tố sau đây có thể gây ngoại tâm thu:
Yếu tố ngoài tim :
- Uống rượu
- Sử dụng đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, coca
- Stress, mệt mỏi hoặc lo lắng (làm tăng nồng độ adrenaline)
- Tác dụng phụ của thuốc: thuốc chống dị ứng hoặc thuốc cảm cúm có chứa ephedrine, thuốc điều trị bệnh hen suyễn, huyết áp cao, hoặc bệnh tim mạch…
- Tuyến giáp hoạt động quá mức ở người bệnh cường giáp
- Hút thuốc, dùng chất kích thích, thuốc lắc…
- Mang thai
- Trải qua thời kỳ mãn kinh
- Rối loạn điện giải, sốt
- Hạ kali máu
- Thiếu máu, nồng độ oxy trong máu thấp …
Yếu tố tại tim:
- Tổn thương cơ tim: do nhồi máu cơ tim, suy tim, tim bẩm sinh nhiễm trùng, huyết áp cao…
- Van tim bất thường: chẳng hạn như sa van hai lá, hở van
5. Chẩn đoán ngoại tâm thu như thế nào?
Các phương pháp sau đây sẽ được sử dụng để theo dõi nhịp tim và xác định mức độ nguy hiểm của ngoại tâm thu:
- Siêu âm tim: sóng âm được sử dụng để ghi lại hình ảnh hoạt động của tim.
- Holter monitor: một thiết bị cầm tay ghi lại nhịp tim của người được theo dõi từ 24 đến 48 giờ.
- Chụp động mạch vành: chụp X-quang và nhuộm chất cản quang để xem lưu lượng máu chảy qua tim.
- Điện tâm đồ (ECG): ghi lại hoạt động điện của tim.
- Thử nghiệp tập luyện: theo dõi nhịp tim khi tập thể dục, thường trên máy chạy bộ.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): ghi lại hình ảnh chi tiết sử dụng nam châm và sóng vô tuyến.
- Chụp CT: ghi lại hoạt động của tim bằng tia X.
6. Ngoại tâm thu có nguy hiểm không?
Nếu nhịp ngoại tâm thu chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bạn thì nó sẽ không gây nguy hiểm.
Nếu ngoại tâm thu xuất hiện nhiều và có liên quan với các triệu chứng khác kèm như đau tức ngực, khó thở, choáng, ngất… thì bạn nên đi khám sớm để được chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng này và có phương pháp điều trị kịp thời.
Nếu bạn đang mắc bệnh mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu hay bất kỳ bệnh tim mạch nào khác và xuất hiện nhịp ngoại tâm thu thì nên có một cuộc hẹn với bác sĩ điều trị để tránh những biến chứng nặng nề như đột quỵ, suy tim.
7. Điều trị và phòng ngừa ngoại tâm thu như thế nào?
Hầu hết các trường hợp ngoại tâm thu không cần điều trị, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống và lối sống, bao gồm:
- Hạn chế cà phê, rượu, thuốc lá.
- Rèn luyện cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên. Thiền, yoga, đi bộ hay chơi thể thao đều là những phương pháp hiệu quả giúp cơ thể vận động hợp lý.
- Thư giãn tâm lý, tránh căng thẳng, lo âu hay sợ hãi.
Nếu ngoại tâm thu xuất hiện do bạn căng thẳng kéo dài, và không có dấu hiệu thuyên giảm khi thay đổi lối sống hoặc luyện tập, bạn có thể được kê toa sử dụng một số thuốc chống lo âu như buspirone hoặc alprazolam.
Thư giãn là cách tốt nhất để phòng ngừa chứng ngoại tâm thu
Nếu ngoại tâm thu do các bệnh lý ngoài tim như cường giáp, lupus ban đỏ, sốt, rối loạn điện giải, thiếu máu… thì người bệnh cần được điều trị các nguyên nhân này, kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống khoa học và một số giải pháp hỗ trợ khác.
Nếu nhịp ngoại tâm thu xảy ra thường xuyên cùng nhiều triệu chứng nghiêm trọng, đặc biệt ở những người có tiền sử gặp cơn đau tim hoặc suy tim trước đó, bên cạnh thay đổi lối sống, chuyên gia y tế có thể cho bạn sử dụng thuốc chẹn beta giao cảm (acebutolol, atenolol, metoprolol, propranolol) hoặc thuốc chẹn kênh canxi (verapamil, diltiazem) và một số thuốc hỗ trợ khác. Ngoài ra, các biện pháp can thiệp như nong mạch cũng có thể áp dụng trong một số trường hợp để phòng ngừa biến chứng như nhịp nhanh thất, rối loạn nhịp tim, nguy cơ huyết khối hoặc tử vong tim đột ngột.
Cuối cùng, bạn “hãy lắng nghe cơ thể mình” để phát hiện sớm nhịp ngoại tâm thu và ổn định lại nhịp đập của trái tim trước khi quá muộn. Từ bây giờ, bạn hãy lên cho mình một lối sống khoa học, không thức khuya, hạn chế chất kích thích, giải tỏa căng thẳng bằng cách thư giãn, nghe nhạc, tập thể dục để ngăn ngừa ngoại tâm thu. Còn với những ai đang mắc ngoại tâm thu cùng với các bệnh lý khác, bên cạnh lối sống lành mạnh, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị và sử dụng thêm giải pháp hỗ trợ giúp ổn định nhịp đập trái tim.
DS Lê Giang
Trích nguồn:
http://www.news-medical.net/health/What-are-Ectopic-heartbeats.aspx
http://www.nytimes.com/health/guides/disease/ectopic-heartbeat/overview.html
http://www.healthline.com/health/pregnancy/ectopic-heartbeat#Overview1
Thông tin cho bạn:
Giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị rối loạn nhịp nhanh & ngoại tâm thu
TPCN Ninh Tâm Vương – Giúp ổn định nhịp đập trái tim
Sản phẩm Ninh Tâm Vương chứa Khổ sâm, Taurine, L-carnitine cùng với các thảo dược quý, là giải pháp phù hợp cho các trường hợp rối loạn nhịp tim nhanh và ngoại tâm thu:
- Giúp ổn định nhịp tim, giảm các triệu chứng hồi hộp, trống ngực, khó thở, mệt mỏi, choáng ngất.
- Giúp ổn định tính dẫn truyền thần kinh tim.
- Phòng ngừa các biến chứng của rối loạn nhịp tim như: nhồi máu cơ tim, ngừng tim, đột quỵ, suy tim…
Công ty Đông Tây, số 19A/126 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội
SĐT Tư vấn: 04.3775.9865 – 08.3977.8085
GPQC: 589/2015/XNQC-ATTP
Sản phẩm này không phải là thuốc, không thay thế thuốc chữa bệnh