Bạn đừng quá lo lắng nếu thỉnh thoảng tim đập rất nhanh, đến nỗi cảm thấy “rung” trong lồng ngực hay dường như “bỏ qua một nhịp” bởi đó là dấu hiệu của chứng loạn nhịp tim có thể gặp ở tất cả mọi người và thường là vô hại. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu này xuất hiện thường xuyên hoặc bạn đang có bệnh lý tim mạch khác thì rối loạn nhịp tim lại vô cùng nguy hiểm, cần phải điều trị và kiểm soát chặt chẽ. Khi đó bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất tình trạng của mình và điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Phần I: Các phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp nhanh

1. Cách tự phát hiện nhịp nhanh

Nếu bạn không có máy đo nhịp tim, bạn hoàn toàn có thể phát hiện nhịp nhanh của mình hoặc người khác bằng cách bắt mạch:

- Chọn tư thế thoải mái, tốt nhất là ngồi hoặc nằm trong trạng thái nghỉ ngơi thư giãn.

- Đặt ngón tay trỏ và ngón giữa vào bên trong cổ tay của bàn tay khác ở ngay dưới ngón tay cái hoặc vào một bên cổ ở dưới góc hàm của bạn.

- Cảm nhận mạch đập.

- Đếm số nhịp đập trong một phút.

- Ghi lại mạch đập và theo dõi, so sánh các thời điểm khác nhau, so với giới hạn bình thường để xác định nhịp nhanh.

Nhịp tim thông thường ở trẻ em rất cao, giảm dần khi trẻ lớn lên và giữ ổn định khi bước vào giai đoạn trưởng thành. Ở vận động viên hay những người thường xuyên tập thể thao, nhịp tim có thể thấp hơn do tim chỉ cần làm việc ở mức độ bình thường cũng đã đủ để duy trì đầy đủ các hoạt động của cơ thể. Nhịp tim bình thường ở các nhóm đối tượng khác nhau như sau:

Cách tự phát hiện nhịp nhanhCách tự phát hiện nhịp nhanh

+ Trẻ sơ sinh: 120 - 160 lần/phút
+ Trẻ 1 tuổi: 80 - 140 lần/phút
+ Trẻ 1 - 2 tuổi: 80 - 130 lần/phút
+ Trẻ 2 - 6 tuổi: 75 - 120 lần/phút
+ Trẻ 7 - 12 tuổi: 75 - 110 lần/phút
+ Người lớn 18 tuổi trở lên: 60 -100 lần/phút
+ Người già: 60 - 80 lần/phút
+ Vận động viên: 40 - 60 lần/phút

Ngoài nhịp tim nhanh, nếu bạn có các triệu chứng như đau tức ngực, choáng, ngất hoặc mệt mỏi thì nên đi khám để:

2. Khám lâm sàng và khai thác tiền sử bệnh

Khai thác kỹ tiền sử bệnh và đánh giá lâm sàng có vai trò rất quan trọng trong điều trị các rối loạn nhịp tim nói chung và rối loạn nhịp tim nhanh nói riêng. Các bác sỹ sẽ hỏi bạn về:

- Chi tiết sự xuất hiện loạn nhịp: bao gồm các triệu chứng đi kèm (đau ngực, hồi hộp, trống ngực, ngất...), hoàn cảnh xuất hiện, thời gian, tần suất, cách bắt đầu cũng như kết thúc, đã điều trị hay chưa và đánh giá mức độ đáp ứng với các phương pháp điều trị không dùng thuốc (xoa xoang cảnh, ấn nhãn cầu...).

- Tiền sử mắc bệnh tim mạch của bạn như bệnh van tim, huyết áp, bệnh mạch vành... hoặc các bệnh không phải tại tim có thể gây ra rối loạn nhịp nhanh bao gồm bệnh cường giáp, lupus, bệnh viêm nhiễm, nhiễm trùng, sốt...

- Tiền sử gia đình bạn xem có ai mắc chứng rối loạn nhịp tim không: do một số loạn nhịp bẩm sinh gây ra bởi các bệnh như bệnh cơ tim phì đại, hội chứng QT mang tính gia đình, hội chứng Wolff - Parkinson - White...

- Đồng thời thăm khám thực thể: đo nhịp tim, huyết áp, các biểu hiện bệnh tim mạch.

3. Xét nghiệm cận lâm sàng

Bạn sẽ được chỉ định làm điện giải đồ, công thức máu, xét nghiệm nồng độ một số thuốc đang dùng mà bác sỹ nghi ngờ có ảnh hưởng đến nhịp tim. Trong một số trường hợp khác, có thể làm thêm các xét nghiệm hormon tuyến giáp hoặc định lượng độc tố trong máu.

4. Điện tâm đồ là công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán rối loạn nhịp tim

Đây là công cụ tiêu chuẩn để chẩn đoán các rối loạn nhịp. Phương pháp này được tiến hành như sau: nhân viên y tế sẽ lau da và bôi chất dẫn điện lên các vị trí dán điện cực như cánh tay, chân và vùng ngực… mà không gây tổn thương cho người bệnh. Các điện cực này được nối với máy điện tâm đồ bởi hệ thống dây dẫn để ghi lại thời gian tương đối của dẫn truyền điện trong tâm nhĩ, hệ thống dẫn truyền nhĩ thất và tâm thất.

Bác sĩ sẽ đánh giá hoạt động của tim, sự đều đặn của nhịp đập dựa vào hình dạng và kích thước của các sóng, thời gian và tốc độ sóng. Thông thường sẽ có 3 sóng lớn xuất hiện trên điện tâm đồ:

- Sóng đầu tiên được gọi là sóng P: ghi lại hoạt động điện của tâm nhĩ (buồng trên của tim).

- Sóng thứ 2 là sóng lớn nhất - sóng QRS: ghi lại hoạt động điện của tâm thất (buồng dưới của tim).

- Sóng thứ ba là sóng T: ghi lại trạng thái nghỉ ngơi của tim.  

3 sóng chính trên điện tâm đồ3 sóng chính trên điện tâm đồ

Tuy nhiên, do tính chất không ổn định của chứng loạn nhịp tim và điện tâm đồ chỉ được thực hiện ở thời điểm khám, nên mặc dù một người đã có dấu hiệu loạn nhịp tim nhanh với triệu chứng hồi hộp, trống ngực và ngất nhưng điện tâm đồ của họ lại bình thường. Vì vậy, người bệnh cần được theo dõi nhịp tim bằng phương pháp khác.

5. Siêu âm tim giúp phát hiện nhịp nhanh do tâm thất

Siêu âm tim là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh dùng sóng siêu âm để khảo sát hình thái, cấu trúc và chức năng của tim, để sàng lọc phát hiện các bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân nhịp tim nhanh. Siêu âm tim có vai trò hữu ích trong việc đánh giá cấu trúc buồng tim và chức năng tim đặc biệt là thất trái ở người rối loạn nhịp tim nhanh ví dụ như giãn thất trái, giảm chức năng thất trái sau nhồi máu cơ tim -  những yếu tố nguy cơ rất cao của rối loạn nhịp nhanh thất, rung thất.

Siêu âm tim qua thực quản: là một thủ thuật tương tự như siêu âm tim nó cho phép nhìn rõ cấu trúc tim hơn, giúp xác định chính xác một số vấn đề của tim mà siêu âm qua thành ngực có thể bỏ sót như huyết khối trong buồng tim, các lỗ thônghay tình trạng tách thành động mạch chủ... Phương pháp này thực hiện bằng cách đưa 1 đầu dò nội soi dài và nhỏ (đầu dò TEE) đã gắn với dây nối và máy siêu âm vào cổ họng hoặc qua thực quản để ghi lại hình ảnh cấu trúc tim. Hiện phương pháp này đã được tiến hành tại Viện Tim mạch Việt Nam.

6. Gắn thiết bị Holter theo dõi rối loạn nhịp tim

Là máy ghi điện tâm đồ di động, ghi lại tín hiệu điện tim liên tục trong vòng 24 - 48 giờ. Cấu tạo của máy Holter tương tự máy điện tâm đồ nhưng nhỏ gọn hơn rất nhiều: các dây điện cực được nối với bộ ghi điện tim cầm tay và hoạt động hoàn toàn bằng pin. Người được gắn thiết bị này có thể làm các hoạt động bình thường trong suốt thời gian đo. Sau khi hoàn thành theo dõi, bộ nhớ của máy ghi được phân tích trên máy tính để xác định các rối loạn nhịp tim xảy ra trong 24h theo dõi. Phương pháp rất phù hợp với những đối tượng có triệu chứng của rối loạn nhịp tim nhưng không xác định được trên điện tâm đồ. Hiện nay, phương pháp này đang được áp dụng tại Viện Tim mạch Việt Nam.

7. Gắn máy theo dõi điện tim truyền được tín hiệu qua điện thoại (Transtelephonic monitor)

Đôi khi các triệu chứng rối loạn nhịp tim xảy ra thường xuyên hoặc nhanh chóng mà bạn không thể đến bệnh viện ngay lập tức thì máy theo dõi điện tim có gắn bộ phận truyền tín hiệu sẽ rất hữu ích. Bạn cần đeo máy theo dõi này liên tục trong vòng 1 hoặc 2 tháng, mỗi khi có các triệu chứng của rối loạn nhịp tim, bạn có thể truyền tải hình ảnh điện tâm đồ vừa ghi lại bằng điện thoại tới bác sĩ tim mạch để được phân tích và chỉ định điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay loại máy này chưa thể có mặt tại Việt Nam do chi phí khá cao còn các bác sỹ tim mạch luôn trong tình trạng quá tải.

Điện tâm đồ ở người rối loạn nhịp tim nhanhĐiện tâm đồ ở người rối loạn nhịp tim nhanh

8. Nghiệm pháp gắng sức xác định nguyên nhân rối loạn nhịp tim

Nghiệm pháp gắng sức đôi khi rất có ích để đánh giá những rối loạn nhịp tim có liên quan đến gắng sức, đặc biệt là các cơn nhịp nhanh thất hoặc ngoại tâm thu thất. Nó được tiến hành bằng cách cho người bị nghi ngờ rối loạn nhịp tim đi bộ nhanh hoặc chạy trên máy chạy bộ hay đi xe đạp. Trong suốt quá trình vận động, nhịp tim và huyết áp đều được theo dõi làm căn cứ để chẩn đoán xem vận động nặng có phải là nguyên nhân gây rối loạn nhịp tim nhanh, trống ngực, hồi hộp, đau tức ngực hay không. Phương pháp này cũng giúp phân biệt những rối loạn nhịp tim ở người bệnh là do tổn thương thực thể (xuất hiện hoặc nặng lên khi gắng sức) hoặc cơ năng (khi gắng sức mất đi).

9. Thử nghiệm điện sinh lý có thể phát hiện cơn nhịp nhanh trên thất

Là phương pháp được chỉ định khi các phương pháp kể trên không đủ để đánh giá các rối loạn nhịp hoặc để điều trị một số rối loạn nhịp.

Người bệnh sẽ được gây tê tại chỗ, sau đó đưa các ống thông điện cực vào buồng tim qua đường tĩnh mạch để đánh giá chức năng nút xoang, đánh giá dẫn truyền giữa tâm nhĩ - tâm thất, phát hiện các cơn nhịp nhanh trên thất hoặc nhịp nhanh thất và các đường dẫn truyền phụ trong tim.

Mặc dù thử nghiệm này có rất nhiều lợi ích trong việc chẩn đoán rối loạn nhịp tim nhưng nó có thể gây ra không ít biến chứng do xâm lấn như: tụ máu, huyết khối, tràn máu màng ngoài tim, tràn khí màng phổi, tổn thương nút nhĩ thất gây block nhĩ thất…

Ds. Lê Giang
Nguồn http://www.heart.org

Phần II: Điều trị rối loạn nhịp tim nhanh như thế nào?